Tôi lật giở từng trang lưu bút đã hoen ố màu thời gian và đong đầy thương nhớ, những kỷ niệm bị bụi thời gian phủ mờ bỗng ùa về như cơn mưa rào mùa hạ năm ấy… Những trang giấy úa vàng nhưng chứa cả trời kỷ niệm Lưu bút từng là báu vật […] ...

Tôi lật giở từng trang lưu bút đã hoen ố màu thời gian và đong đầy thương nhớ, những kỷ niệm bị bụi thời gian phủ mờ bỗng ùa về như cơn mưa rào mùa hạ năm ấy…

Những trang giấy úa vàng nhưng chứa cả trời kỷ niệm

Lưu bút từng là báu vật của thế hệ 8X, 9X một thời. Ngày ấy, quý nhau lắm mới đầu tư thời gian viết cho nhau những dòng lưu bút cực kỳ cảm động, lại còn trang trí thêm bằng ảnh, bút nhũ đủ màu, thêm cả cánh hoa phượng khô ép thành hình cánh bướm.

Hoa cỏ ép khô là phong cách trang trí quen thuộc
Những cánh phượng hồng đong đầy nỗi nhớ
Lưu bút ngày xanh mộc mạc

Ngày đó chưa có Facebook, Instagram, cũng chẳng có smartphone như bây giờ. Chiếc điện thoại dùng hệ điều hành Java cũng là thứ xa xỉ mà không phải ai cũng có. Thời 9X đời đầu, những lá thư tay nhét trong ngăn bàn, những mẩu giấy truyền tay nhau ‘chat’ trong giờ học vẫn còn phổ biến. Ai ‘high tech’ hơn thì có Yahoo! Messenger, viết Blog 360. Nhưng không điều gì có thể thay thế được vị trí của cuốn lưu bút.

Ôi biệt ly sao mà buồn vậy?

Lưu bút ngày ấy không chỉ đơn giản là nơi để bạn bè trao nhau những lời tâm sự, ghi lại kỷ niệm của những ngày nhất quỷ nhì ma, mà nó còn là thứ cất giữ thanh xuân, cất giữ những mộng mơ, hoài bão… của tháng năm học trò.

Mỗi lần đọc lưu bút là một lần hồi hộp
Khéo tay thì phải trang trí đầy công phu như thế này

Cuốn lưu bút năm ấy có gì? Là những tấm ảnh cá nhân để sau này còn nhớ mặt nhau. Là những dòng tự bạch về sinh nhật, cung hoàng đạo, màu sắc yêu thích. Là những kỷ niệm bên nhau suốt những năm tháng dưới mái trường. Là những dòng nhắn nhủ cho nhau khi bước tiếp trên chặng đường phía trước. Đối với học sinh cuối cấp, có khi một ngày ôm cả chục cuốn lưu bút về rồi cứ thế chuyền tay nhau.

Hình như cuốn lưu bút nào cũng phải có những trang đầy chữ ký thế này
Có những lời ngại không thể nói ra với nhau, đành gửi cảm xúc qua từng câu chữ!
Những tấm ảnh đen trắng dán bên góc giấy để nhắc rằng “Đừng quên nhau nhé!”

Ngày ấy còn có phong trào sưu tầm ảnh thần tượng và chép lời bài hát. Nhạc số chưa phát triển rầm rộ như bây giờ, CD, DVD hay chiếc máy nghe nhạc mp3 là những thứ phổ biến nhất để tiếp cận với những bài hát mới. Có khi nhấn nút pause rồi tua đi tua lại đến xước cả đĩa chỉ để nghe và chép lời bài hát. Mỗi đứa học trò ngày ấy có đến mấy cuốn sổ chép lời bài hát như thế, rồi cả lớp chuyền tay nhau hát đến sờn cả bìa sổ, thế mà lại vui.

Những bài thơ, câu hát được chủ nhân chép lại cẩn thận
Tình bạn được xếp… bằng 114 con muỗi
Cách viết lưu bút này chắc chắn là đặc trưng của hội 8X, 9X đời đầu!

Mà không chỉ có học sinh cấp 2, cấp 3, ngày xưa ấy, học sinh cấp 1 cũng có lưu bút. Nhỏ thế mà cũng có võ đấy thôi!

Lưu bút của thời “cấp một yêu dấu”

Học sinh bây giờ có còn viết lưu bút?

Hiện nay, công nghệ phát triển với tốc độ chóng mặt. Tin nhắn, email, mạng xã hội khiến những lá thư tay phải lùi vào dĩ vãng. Tất nhiên trong một bối cảnh mà công nghệ đang chiếm ngôi vương thì những cuốn sổ lưu bút cũng không còn giữ được vị thế của nó nữa.

Có những nhà trường mở trang lưu bút điện tử trên website nhà trường, tuyển chọn những bài viết hay nhất của những học sinh ưu tú nhất để sau này ra trường còn có một chốn để tìm về.

Để rồi mai xa nhau nhìn lại bỗng nhớ nhau thật nhiều!

Nếu được lựa chọn, chắc ai cũng mong mình được sống mãi trong quãng thời gian trong trẻo, thơ ngây ấy. Ở đó những quyển sổ lưu bút được truyền tay nhau. Mọi người cùng hứa sẽ gặp lại và lưu giữ mãi tuổi học trò. Hơn nữa, ấn tượng lần đầu tiên về nhau cũng được ghi lại qua từng con chữ. Đối với thế hệ 7X, 8X và 9X, cuốn lưu bút như cả một gia tài của tuổi trẻ.

Elite author
We always feel that we can do better and that our best piece is yet to be written.
Tất cả bài viết
BÀI VIẾT MỚI NHẤT