Bên trong lòng của mỗi răng là một khu vực rỗng chứa tủy răng. Tủy răng bao gồm mạch máu và dây thần kinh chi phối cho răng. Viêm tủy răng là tình trạng tủy bị nhiễm trùng gây đau đớn. Tình trạng này xảy ra ở một hoặc nhiều răng, do vi khuẩn xâm nhập vào tủy, khiến nó bị viêm sưng tấy. ...

Có hai dạng viêm tủy răng: có hồi phục và không hồi phục. Viêm tủy có hồi phục là các trường hợp viêm nhẹ và tủy răng vẫn đủ khỏe mạnh để hết viêm. Viêm tủy không hồi phục xảy ra khi tình trạng viêm và các triệu chứng khác, như đau diễn ra nghiêm trọng và không thể cứu được tủy răng.

Viêm tủy tạo áp xe quanh chân răng (nguồn dentalhealthsociety)Viêm tủy tạo áp xe quanh chân răng (nguồn dentalhealthsociety)

Viêm tủy không hồi phục có khả năng dẫn đến một loại nhiễm trùng gọi là áp xe quanh răng. Nhiễm trùng này phát triển ở chân răng, nơi nó tạo ra một túi mủ. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể, như xoang hàm, xương hoặc não.

Triệu chứng 

Cả hai loại viêm tủy đều gây đau, mặc dù cơn đau do viêm tủy có hồi phục nhẹ hơn và chỉ xảy ra khi ăn. Cơn đau liên quan đến viêm tủy không hồi phục nghiêm trọng hơn, và xảy ra cả ngày lẫn đêm.

Các triệu chứng khác của cả hai dạng viêm tủy răng bao gồm:

  • Viêm nhiễm
  • Nhạy cảm với thức ăn nóng và lạnh
  • Nhạy cảm với đồ ngọt

Viêm tủy không hồi phục thường đi kèm các triệu chứng:

  • Sốt
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Hơi thở hôi
  • Mùi vị khó chịu trong miệng

Nguyên nhân 

Đối với một răng khỏe mạnh, các lớp men và ngà bảo vệ tủy răng khỏi bị nhiễm trùng. Viêm tủy răng xảy ra khi các lớp bảo vệ này bị tổn thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào tủy răng, gây sưng tấy. Tủy răng vẫn bị mắc kẹt bên trong ống tủy, do đó, sưng gây tăng áp lực và đau, cũng như nhiễm trùng.

Các lớp men và ngà răng bị tổn thương do một số yếu tố như:

  • Sâu răng,mòn răng
  • Chấn thương, như va chạm vào răng
  • Gãy răng làm lộ tủy
  • Chấn thương lặp đi lặp lại do các vấn đề về răng miệng, như lệch hàm hoặc nghiến răng  

Yếu tố nguy cơ

Bất cứ điều gì làm tăng nguy cơ sâu răng, như sống trong khu vực không có nước bổ sung fluoride hoặc mắc một số bệnh, như bệnh tiểu đường, đều làm tăng nguy cơ viêm tủy răng.

Trẻ em và người lớn tuổi có nguy cơ cao hơn, nhưng điều này phần lớn được quyết định bởi chất lượng chăm sóc răng miệng và thói quen vệ sinh răng miệng.

Các thói quen trong lối sống cũng làm tăng nguy cơ bị viêm tủy răng, bao gồm:

  • Thói quen vệ sinh răng miệng kém, như không đánh răng sau bữa ăn và không khám răng định kì.
  • Một chế độ ăn nhiều đường, hoặc tiêu thụ các loại thực phẩm và đồ uống gây sâu răng, như carbohydrate tinh chế
  • Nghề nghiệp hoặc sở thích làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến miệng, như quyền anh hoặc khúc côn cầu
  • Bệnh nghiến răng mãn tính

Chẩn đoán 

Viêm tủy răng thường được chẩn đoán bởi nha sĩ. Nha sĩ sẽ khám răng cho bạn. Họ chụp một hoặc nhiều phim X-quang để xác định mức độ sâu và viêm tủy.

Một bài kiểm tra độ nhạy cảm được thực hiện để xem bạn có cảm thấy đau hoặc khó chịu khi răng tiếp xúc với các kích thích nóng, lạnh hoặc ngọt hay không. Mức độ và thời gian phản ứng với các kích thích giúp nha sĩ quyết định xem viêm tất cả hoặc chỉ một phần, tủy răng có bị ảnh hưởng hay không.

Thử nghiệm gõ răng, sử dụng một dụng cụ cùn, nhẹ để gõ nhẹ vào răng bị ảnh hưởng, giúp nha sĩ xác định mức độ viêm.

Nha sĩ cũng phân tích mức độ tổn thương của tủy bằng máy thử tủy điện. Công cụ này truyền một điện tích cực nhỏ đến tủy răng. Nếu cảm nhận được dòng điện này, thì tủy răng của bạn vẫn được coi là tồn tại được và bệnh viêm tủy răng rất có thể hồi phục được.

Điều trị 

Các phương pháp điều trị khác nhau tùy thuộc vào tình trạng viêm của tủy có hồi phục được hay không.

Nếu viêm tủy có hồi phục, việc điều trị nguyên nhân gây viêm sẽ giải quyết được các triệu chứng. Ví dụ, nếu bị sâu răng, loại bỏ mô bị sâu và phục hồi bằng trám răng sẽ giúp giảm đau.

Nếu bị viêm tủy răng không hồi phục, bác sĩ nội nha sẽ tiến hành điều trị. Trong thủ thuật này phần tủy răng được lấy đi trong khi răng vẫn còn. Sau khi lấy tủy răng, ống tủy rỗng bên trong răng sẽ được sát trùng, làm sạch và trám bít lại.

Một số trường hợp răng sẽ cần phải loại bỏ. Đây được gọi là nhổ răng. Nhổ răng được khuyến nghị nếu răng đã chết tủy và không thể cứu được.

Sau khi điều trị tủy hoặc nhổ răng, hãy báo cho bác sĩ biết nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Đau dữ dội 
  • Sưng bên trong hoặc bên ngoài miệng
  • Cảm giác căng nhức
  • Tái phát hoặc tiếp tục các triệu chứng ban đầu

Kiểm soát đau

Kiểm soát cơn đau, cả trước và sau khi điều trị, thường được thực hiện bằng thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Chúng giúp giảm đau và chống viêm.

Khám nha sĩ để biết về nhãn hiệu NSAID và liều lượng phù hợp. Nếu cần lấy tủy răng hoặc nhổ răng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau mạnh hơn.

Phòng ngừa

Viêm tủy phòng tránh được bằng cách vệ sinh răng miệng tốt và đến gặp nha sĩ thường xuyên. Giảm hoặc loại bỏ đồ ngọt, như cola có đường, bánh ngọt và kẹo, cũng rất hữu ích.

Nếu bạn bị nghiến răng, máng nhai giúp bảo vệ răng của bạn.

Tổng kết

Hãy đến gặp nha sĩ nếu bạn có bất kì cơn đau nào trong miệng. Nếu bị viêm tủy răng, điều trị sớm giúp ngăn ngừa tình trạng viêm tủy răng không hồi phục. Viêm tủy răng có hồi phục được điều trị bằng cách loại bỏ mô sâu và trám răng. Lấy tủy răng hoặc nhổ răng được áp dụng cho trường hợp viêm tủy răng không hồi phục.

Xem thêm:

Elite author
We always feel that we can do better and that our best piece is yet to be written.
Tất cả bài viết
BÀI VIẾT MỚI NHẤT