Vỡ mạch máu dưới da (xuất huyết dưới da) là hiện tượng thường gặp trong cuộc sống. Đó là khi tế bào máu thoát ra khỏi thành mạch đã bị tổn thương do nguyên nhân nào đó. ...

Hiện tượng này có thể là hiện tượng sinh lý do va đập, sang chấn, thể thao, phẫu thuật thủ thuật, hoặc cũng có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý, cần được đi khám và xử trí kịp thời. Hãy cùng bài viết dưới đây phân tích các nguyên nhân, các dấu hiệu để biết khi nào cần đi khám, cách xử trí tại nhà.

Dấu hiệu

Bầm tím là mảng da có màu tím dưới da, hay nói cách khác là sự thay đổi màu sắc da do máu chảy ra ngoài lòng mạch đi vào mô dưới da, tuy nhiên không chảy máu ra ngoài da, lớp da vẫn nguyên vẹn. Khi đó mạch máu dưới da bị đụng dập. Kích thước mảng bầm tím thường rộng, rộng hơn các nốt, chấm xuất huyết, và phụ thuộc vào số lượng các mạch máu bị vỡ.

Xuất huyết dưới da là các chấm, mảng, đám xuất huyết có màu đỏ, tím, hồng, nâu tùy vào lứa tuổi của xuất huyết. Xuất huyết dưới da thường là kết quả do tình trạng giảm số lượng/chất lượng tiểu cầu, thường xuất hiện tự nhiên, không do va đập.

Ngoài các dấu hiệu tại da, niêm mạc, có thể có các dấu hiệu đi kèm, dựa vào dấu hiệu này mà bác sĩ chẩn đoán phân biệt các nguyên nhân xuất huyết do bệnh lý khác:

  • Sốt
  • Chảy máu cam, chảy máu chân răng, rong kinh, đa kinh, 
  • Hạch to
  • Gan, lách to
  • Rối loạn ý thức nếu có xuất huyết não
  • Gầy sút cân

Nguyên nhân

Nguyên nhân sinh lý:

  • Thông thường, va đập mạnh gây đụng dập mô mềm và mạch máu dưới da, gây bầm tím tại chỗ là dấu hiệu bình thường. Đó là khi thành mạch, số lượng tiểu cầu hoàn toàn bình thường. Bạn hãy xử trí vết va đập, nghỉ ngơi, chườm lạnh, kê cao chân, có thể dùng thuốc, vết thương sẽ lành dần theo thời gian, vết bầm tím sẽ chuyển thành màu đỏ nhạt, màu hồng, vàng, nâu, rồi biến mất sau khoảng hơn 1 tuần. 
  • Một số người có thể gặp chảy máu cam sau ngoáy mũi, day mũi, va đập nhẹ, thậm chí xuất hiện tự nhiên trong điều kiện khí hậu khô lạnh. Đó là do cấu trúc mạch máu dưới niêm mạc mũi bất thường, hoặc niêm mạc mũi bị khô, bong ra gây chảy máu. Mũi là nơi niêm mạch mỏng, ở một số người có cấu trúc mạch máu bất thường, chảy máu cam xảy ra tại nơi điểm mạch yếu.
  • Tác dụng phụ của thuốc chống đông: Aspirin, Syntrom, Lovenox,…các thuốc chống đông này thường được dùng trong bệnh lý tim mạch, hội chứng kháng phospholipid ở thai phụ. Thuốc cần được theo dõi trong quá trình dùng vì có thể gây xuất huyết.

Đối với những vết bầm tím xuất hiện tự nhiên, không do va đập, xuất hiện thường xuyên, kích thước lớn, kèm chảy máu chân răng, chảy máu cam, xuất  huyết khác, hoặc vết xuất huyết dưới da dạng chấm, mảng, đám, hãy đi khám. Đó là những dấu hiệu cho thấy có nguyên nhân bệnh lý khác gây bầm tím, vỡ thành mạch máu.

Nguyên nhân bệnh lý:

  • Sốt xuất huyết Dengue: Thường xuất hiện vụ dịch tại Hà Nội và khu đông dân cư vào tháng 7-12 hàng năm. Xuất huyết dưới da là do số lượng tiểu cầu giảm, xuất hiện sau khi sốt cao kéo dài từ 3- 6 ngày. Bạn nên đi khám vào ngày thứ 3 của sốt để đề phòng biến chứng sốc Dengue do thoát huyết tương, hoặc ngay khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo: Đau bụng, khó thở, buồn nôn, nôn, xuất huyết dưới da đầu tiên hoặc chảy máu khác.
  • Bệnh máu khó đông Hemophilia: Là bệnh thiếu hụt các yếu tố đông máu bẩm sinh VIII, IX, XI, xuất huyết trong cơ, khớp, não sau chấn thương, va đập, nhổ răng, chảy máu kéo dài trong các cuộc phẫu thuật. Bệnh biểu hiện ở nam giới, trong một gia đình. Trong bệnh này, máu do thiếu hụt một số yếu tố đông máu nội sinh nên khi có chảy máu, khó tạo được cục đông để cầm máu.
  • Bệnh đái tháo đường có thể có biểu hiện tổn thương các mạch máu và thần kinh ngoại vi, do đó có vết xuất huyết phạm vi nhỏ dưới da do tổn thương thành mạch. Bệnh thường kèm theo các biến chứng khác khi không kiểm soát đường máu tốt: Mụn nhọt, nhiễm trùng, vết loét dưới da, hoại tử đầu chi do tắc mạch, tê bì dị cảm, tổn thương võng mạc,…
  • Xơ gan do rượu, do virus: Xuất huyết dưới da kèm theo vàng da, sao mạch, tiểu cầu giảm, giãn tĩnh mạch thực quản, cổ trướng
  • Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch (ITP): Có xuất huyết dưới da đa hình thái, đa lứa tuổi, có thể kèm chảy máu khác. Đây là bệnh lành tính, có thể điều trị ổn định, tránh tái phát. Cần đi khám sớm nếu xuất huyết dưới da
  • Suy tủy xương: Do nguyên nhân nguyên phát hoặc thứ phát, tủy xương không sinh đủ các dòng tế bào máu: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Khi có chảy máu tự nhiên, thường cũng sẽ kèm theo dấu hiệu thiếu máu trước đó.
  • Bệnh máu ác tính: Leukemia cấp thường có giảm tiểu cầu trong máu ngoại vi do sự chèn ép của các dòng tế bào ác tính (blast), từ đó có chảy máu, bầm tím, xuất huyết tự nhiên.

Xử trí

Đối với chảy máu bầm tím sau va đập, chấn thương, chơi thể thao, bạn hãy tự chăm sóc vết thương tại nhà: Nghỉ ngơi, chườm lạnh, kê cao vùng chi tổn thương. Trong trường hợp đau nhức nhiều, có thể uống giảm đau: Paracetamol 500 mg, 1 viên/lần, cách nhau 6h.

Các trường hợp chảy máu sau đây cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị chuyên khoa:

  • Chảy máu, bầm tím, xuất huyết dưới da tự nhiên  không do chấn thương, va đập
  • Các xuất huyết dưới da đặc trưng do giảm tiểu cầu: Dạng chấm, mảng, đám xuất huyết cùng lứa tuổi, hãy đi khám để tìm nguyên nhân giảm tiểu cầu
  • Các xuất huyết, bầm tím kèm các dấu hiệu khác: Sốt, gầy sút cân, hạch to, gan lách to, nôn, buồn nôn, rong kinh, đi ngoài phân đen, tiểu máu, rối loạn ý thức. Hãy đi khám ngay để được điều trị chuyên khoa.
  • Xuất huyết, vỡ mạch máu dưới da trên nền bệnh nhân đái tháo đường: Cần điều trị bệnh, kiểm soát đường máu tốt, điều trị biến chứng khác kèm theo

Elite author
We always feel that we can do better and that our best piece is yet to be written.
Tất cả bài viết
BÀI VIẾT MỚI NHẤT