Kehr được lấy theo tên một bác sĩ phẫu thuật người Đức, ông được coi là người tiên phong trong phương pháp phẫu thuật cắt túi mật để điều trị sỏi mật mà được ứng dụng rất phổ biến như ngày nay. ...

Ống Kehr là một ống dẫn lưu được đặt trong ống mật chủ (OMC) sau phẫu thuật cắt bỏ túi mật hoặc một phần đường mật như cắt ống mật chủ. 

Hình ảnh minh họa ống dẫn lưu Kehr với dạng chữ T (Nguồn ảnh từ lancetahg)Hình ảnh minh họa ống dẫn lưu Kehr với dạng chữ T (Nguồn ảnh từlancetahg)

Ống Kehr được làm từ cao su latex với ưu điểm nổi trội là rẻ tiền, mềm, có tính kích thích mô để tạo đường hầm do đó thuận lợi cho việc theo dõi đường mật sau phẫu thuật. Ống Kehr có dạng chạc 3 giống chữ T (nên còn gọi là ống T) giúp cố định để ống không bị tụt ra ngoài. Dọc thành ống có các lỗ nhỏ dẫn lưu mật ra ngoài và xuống tá tràng. Ống T có nhiều kích cỡ khác nhau tùy theo mục đích sử dụng, thường dùng nhất là loại 10 - 14Fr.

Ngoài ra, ống T cũng có thể được sử dụng cho các trường hợp rò tá tràng dai dẳng, u tuyến tụy hoặc phẫu thuật cắt gan trong ghép gan.

Khi nào thì cần đặt dẫn lưu Kehr?

Trên lâm sàng, các bác sĩ đặt ống Kehr nhằm mục đích sau:

  • Giảm áp đường mật sau mổ
  • Theo dõi chảy máu đường mật sau mổ.
  • Tránh hẹp đường mật sau mổ. 
  • Bơm rửa đường mật, bơm thuốc điều trị, giúp dịch mật, bùn mật chảy ra ngoài.
  • Đảm bảo chỗ khâu đường mật lành tốt, tránh rò mật gây nhiễm trùng hay viêm phúc mạc. 
  • Tạo đường hầm lấy qua nội soi nếu còn sót sỏi.

Bên cạnh đó, chụp đường mật có tiêm thuốc cản quang qua ống T thường được thực hiện vào ngày thứ 7 sau phẫu thuật để kiểm tra xem có tắc nghẽn hay hẹp dòng chảy của mật hay không, có hay không có sự rò rỉ mật xuống tá tràng. Sau đó có thể tiến hành kẹp ống T xem xét rút ống nếu kết quả chụp đường mật bình thường. 

Quy trình thực hiện sẽ như thế nào?

Trước hết, cần chọn loại ống T có cỡ nòng phù hợp với đường kính của ống mật chủ. Nếu kích thước quá nhỏ, ống có thể gấp khúc và cản trở dòng dẫn lưu mật ra ngoài; ngược lại nếu quá lớn, ống sẽ tạo áp lực lên thành ống mật, làm căng vết khâu do vậy làm lâu liền. 

Hình ảnh minh họa vị trí đặt dẫn lưu Kehr trong phẫu thuật sỏi ống mật chủ (Nguồn ảnh từ researchgate)Hình ảnh minh họa vị trí đặt dẫn lưu Kehr trong phẫu thuật sỏi ống mật chủ (Nguồn ảnh từ researchgate)

Đưa hai đầu ngang của ống “T” vào để có thể dễ dàng trượt qua lại dọc theo trục của ống mật chủ nhằm xác định vị trí chính xác. Sau đó, khâu đường mật lại bằng chỉ khâu loại hấp thụ chậm và khâu ngắt quãng, cách nhau từ 1 đến 2 mm để tránh gây thiếu máu cục bộ thành ống mật chủ. 

Bước tiếp theo là thực hiện bơm nước muối áp lực thấp qua ống T để kiểm tra xem nắp có kín hay không. Ngoài ra, có thể bơm thuốc cản quang để đánh giá sự lưu thông và chụp phim X quang, xem có rò rỉ mật hay không. 

Đầu dọc của ống T sau đó được dẫn ra ngoài qua thành bụng theo đường ngắn nhất. Cuối cùng, ống T được cố định vào da cẩn thận bằng hai chỉ khâu loại không thấm nước, để tránh tắc hoặc gập góc lòng ống. Sau đó, ống sẽ được nối với một hệ thống kín, vô khuẩn để theo dõi dòng mật được dẫn ra ngoài và tránh nhiễm trùng thứ phát.

Trung bình một ca mổ sẽ kéo dài khoảng hơn 2 tiếng.

Cách để chăm sóc và theo dõi?

Hàng ngày phải đánh giá:

  • Sự lưu thông của ống dẫn lưu.
  • Lượng dịch thoát ra trong túi chứa dịch dẫn lưu, tính chất, màu sắc dịch. Mức độ, màu sắc dịch thấm băng.
  • Tình trạng vết mổ.
  • Nhu cầu giảm đau, tạo sự thoải mái cho người bệnh trong quá trình chăm sóc.
Hình ảnh minh họa chụp đường mật trong mổ qua ống dẫn lưu cho thấy toàn bộ cây mật và không thấy tắc nghẽn  (Nguồn ảnh từ sciencedirect)Hình ảnh minh họa chụp đường mật trong mổ qua ống dẫn lưu cho thấy toàn bộ cây mật và không thấy tắc nghẽn  (Nguồn ảnh từ sciencedirect)

 Cách chăm sóc tại chỗ:

  • Đảm bảo vô trùng hệ thống dẫn lưu.
  • Luôn đặt túi chứa ở vị trí thấp hơn ống mật để tránh trào ngược.
  • Tránh để gập ống.
  • Chân ống Kehr: bình thường dịch mật ko qua chân ống. Nếu có, thì phải khâu bớt da tại chân ống, nếu thấy sưng, nóng, đỏ, đau thì tiến hành thay băng chân Kehr hằng ngày.
  • Thay băng dẫn lưu và theo dõi chân ống dẫn lưu hằng ngày. 

Rút ống dẫn lưu khi tiến hành kẹp ống ngắt quãng hoặc liên tục >48 giờ mà bệnh nhân không còn đau bụng, không vàng da tăng lên và không có biểu hiện tắc nghẽn. 

Để chắc chắn hơn có thể chụp XQ đường mật qua ống mà không phát hiện còn sỏi, thuốc cản qua xuống tá tràng tốt, không rò vào ổ bụng.

Cuối cùng là khi rút cần rút liên tục, lực rút vừa phải, tránh rút nhanh sẽ làm hở miệng nối. Sau rút không cần khâu lại da vùng chân ống.

Các biến chứng có thể gặp phải?

Các biến chứng của việc đặt ống T có thể do sơ sót kỹ thuật thực hiện, hoặc do tình trạng tổn thương đường mật nặng nề của người bệnh. Vị trí đặt ống chữ T rất quan trọng tuy nhiên đòi hỏi trình độ cao, vì vậy các kỹ thuật tối ưu có thể làm giảm đáng kể các biến chứng. 

Rò rỉ mật là biến chứng thường gặp nhất. Việc theo dõi thường xuyên có thể giúp phát hiện ra sớm. Nếu dẫn lưu không ra dịch thì phải nghĩ đến do dịch mật đã bị rò vào khoang bụng, cần xử lý ngay, vì nếu để lâu sẽ gây thấm mật phúc mạc, rồi viêm phúc mạc mật rất nguy hiểm.

Trường hợp tắc ống dẫn lưu, dịch mật có mủ, máu, cặn sỏi... cần thông lại bằng cách bơm rửa Kehr - chú ý đảm bảo vô trùng tuyệt đối. Sử dụng bơm 5cc để bơm rửa dung dịch NaCl 0.9% từ từ, nhẹ nhàng vào thông lòng ống, nếu thấy nặng tay thì rút nước ra, không nên cố bơm tiếp.

Khâu nhầm vào ống T là biến chứng hiếm gặp, vì thế không thể rút ống dẫn lưu được. Đó thường do lỗi kỹ thuật trong quá trình đóng ống mật (khâu nối ống), hoặc do việc lưu ống T trong thời gian dài dẫn đến sự phát triển sẹo hóa. Khi đó, việc can thiệp phẫu thuật lại để cắt bỏ ống T là cần thiết.

Elite author
We always feel that we can do better and that our best piece is yet to be written.
Tất cả bài viết
BÀI VIẾT MỚI NHẤT