Đau hố chậu trái là một triệu chứng hay gặp, triệu chứng này có thể tự biến mất sau ít phút nhưng đôi khi cơn đau kéo dài liên tục và có thể là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng. Đây là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý khác nhau, có bệnh chỉ thoáng qua, có bệnh mang tính chất mạn tính, nhưng có bệnh mang tính chất cấp tính nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. ...

Vị trí giải phẫu

Vùng hố chậu trái hay vùng bụng dưới bên trái thường có một phần ruột non, đoạn cuối đại tràng, niệu quản trái, cơ thắt lưng trái, ở nữ giới có buồng trứng vòi trứng trái.

Phân khu vùng bụng. Nguồn ảnh: kzngastro.co.zaPhân khu vùng bụng. Nguồn ảnh: kzngastro.co.za

 

Nguyên Nhân

Vùng hố chậu trái có nhiều cơ quan thiết yếu của cơ thể, trong đó chủ yếu là cơ quan tiêu hóa và bài tiết. Một số nguyên nhân thường gặp của đau hố chậu trái: 

Nguyên nhân ở đường tiêu hóa

Nguồn ảnh: istockphoto.comNguồn ảnh: istockphoto.com

 

  • Rối loạn tiêu hóa: đây là lý do thường gặp gây đau bụng nói chung và đau hố chậu trái nói riêng. Người bệnh sẽ cảm thấy đau quằn quại ở bụng dưới kèm theo hiện tượng tiêu chảy. Khi bị rối loạn tiêu hóa, bụng trở nên cứng và đau nhẹ khi chạm vào bụng. Tuy nhiên, bệnh này không quá nghiêm trọng và không mất quá nhiều thời gian điều trị.
  • Táo bón: đây là bệnh lý phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi từ trẻ em đến người già, thường do chế độ ăn thiếu chất xơ. Táo bón gây đau bụng, phân cứng, đau khi đi đại tiện, có thể có máu trên bề mặt phân…
  • Viêm túi thừa cấp: bệnh lý này liên quan đến tình trạng viêm nhiễm các túi thừa ở đại tràng, ngoài cơn đau bụng dưới sẽ kèm theo các triệu chứng khác như sốt, nôn và buồn nôn, táo bón… Viêm túi thừa ở đại tràng sigma thường gây đau tại vùng hố chậu trái. Viêm túi thừa có thể biến chứng áp xe và thủng túi thừa gây viêm phúc mạc.
Túi thừa ở thành đại tràng. Nguồn ảnh: everydayhealth.comTúi thừa ở thành đại tràng. Nguồn ảnh: everydayhealth.com

Viêm loét đại trực tràng: có thể cấp tính hoặc mạn tính, viêm đại tràng đơn thuần hoặc kèm theo các ổ loét. 

Xoắn ruột: tình trạng xoắn ruột ở đoạn đại tràng sigma thường gặp nhất, có thể dẫn tới tắc ruột. Người lớn tuổi bị xoắn ruột có thể diễn tiến rất âm thầm.

  • Thoát vị bẹn/ đùi trái: Thoát vị có thể gây đau ở hố chậu trái, kèm theo có khối sưng lên căng tức ở vùng bẹn, hoặc có dấu hiệu tắc ruột. Thoát vị cần được phẫu thuật kịp thời để phòng ngừa biến chứng
  • Ung thư: ung thư đại tràng, ung thư trực tràng có thể gây đau bụng, đi ngoài ra máu, gầy sút cân….

Bệnh lý đường sinh dục

Biểu hiện đau ở hố chậu trái trên bệnh nhân nam và nữ do những bệnh lý khác nhau liên quan đến cơ quan sinh dục.

Một số nguyên nhân gây đau hố chậu trái ở nữ giới bao gồm:

  • Viêm nhiễm đường sinh dục nữ: viêm tử cung, vòi mủ vòi trứng buồng trứng… 
  • Chửa ngoài tử cung: đây là cấp cứu sản khoa, nếu khối chửa vỡ sẽ gây mất máu cấp có thể ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. Chửa ngoài tử cung có thể gặp ở mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, vị trí thường gặp của khối chửa ngoài tử cung là ở vòi trứng, nếu khối chửa ở vòi trứng trái sẽ gây đau ở hố chậu trái kèm theo ra máu âm đạo, trễ kinh, thử thai dương tính. 
Chửa ở vòi tử cung. Nguồn ảnh: flickr.comChửa ở vòi tử cung. Nguồn ảnh: flickr.com

 

  • U buồng trứng: các khối u ở buồng trứng bên trái đều có thể gây đau hố chậu trái, đặc biệt với các khối u nang lớn, u buồng trứng xoắn.
  • Sảy thai hoặc dọa sảy: ngoài đau bụng còn kèm theo ra máu âm đạo bất thường khi có thai.
  • Đau bụng kinh: nhiều phụ nữ bị đau dữ dội trong kỳ kinh nguyệt.
  • U xơ tử cung: bệnh nhân thường có rối loạn kinh nguyệt, máu kinh ra nhiều và đau tức vùng bụng dưới âm ỉ. Đây là những khối u lành tính xuất hiện ở các vị trí khác nhau trong thân tử cung.
  • Lạc nội mạc tử cung: Gây ra những cơn đau dữ dội trong kỳ kinh nguyệt do nội mạc tử cung lạc chỗ có thể lạc nội mạc ở buồng trứng, vòi trứng hay trong cơ tử cung.

Nam giới cũng có thể mắc một số bệnh lý gây đau ở hố chậu trái nhưng ít gặp hơn nhiều so với nữ giới như:

  • Viêm túi tinh
  • Viêm tiền liệt tuyến
  • Xoắn tinh hoàn

Nguyên nhân ở đường niệu

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: như viêm bàng quang, viêm niệu quản… Ngoài đau bụng, bệnh còn còn có rối loạn tiểu tiện như tiểu buốt, tiểu nhiều lần, tiểu máu, nước tiểu đục…
  • Sỏi niệu quản: bệnh nhân có thể đau âm ỉ hoặc đau quặn ở vùng hố chậu trái (nếu sỏi niệu quản trái), đau có khi xuyên ra sau lưng, lên thượng vị. Đau kèm theo tiểu buốt, tiểu dắt, tiểu máu…

Các nguyên nhân khác

Các vết bầm hay khối máu tụ ở các cơ thành bụng hoặc cơ thắt lưng chậu cũng có thể gây ra cơn đau nhói vùng hạ vị bên trái. 

Những vấn đề có liên quan đến hệ tuần hoàn như phình tách động mạch chủ bụng cũng là một trong các nguyên nhân gây ra cơn đau. Ngoài ra, huyết khối hoặc viêm các mạch máu ở vùng bụng dưới bên trái cũng có thể dẫn đến những cơn đau đột ngột tại vùng này.

Bệnh lý cơ xương khớp như căng cơ vùng bụng hay vùng lưng, thoát vị đĩa đệm. 

Chẩn đoán

Các bác sĩ sẽ thường dựa vào vị trí, tính chất đau và các biểu hiện kèm theo để định hướng nguyên nhân gây đau. Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử cơn đau: thời gian xuất hiện, tính chất đau, đau liên tục hoặc từng cơn, đau chói hay đau âm ỉ…

Một số triệu chứng đi kèm với cơn đau hố chậu trái như:

  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Sốt
  • Đi ngoài phân có máu, nhầy… và hình dáng phân bất thường (cục cứng, đặc, lỏng…)
  • Ra máu, ra dịch bất thường âm đạo
  • Tiểu khó, tiểu máu, nước tiểu đục…
  • Chán ăn, gầy sút cân

Kết hợp với thăm khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ định hướng nguyên nhân để đưa ra chỉ định xét nghiệm. Một số xét nghiệm có thể được thực hiện như:

  • Công thức máu: số lượng bạch cầu, hồng cầu….
  • Tổng phân tích nước tiểu: bạch cầu, hồng cầu trong nước tiểu...
  • Xét nghiệm vi sinh: cấy máu, cấy mủ, dịch âm đạo để tìm nguyên nhân gây viêm.
  • Siêu âm ổ bụng, siêu âm phần phụ.
  • Chụp X quang bụng, chụp hệ tiết niệu.
  • Chụp CT hoặc chụp MRI.
  • Nội soi đường tiêu hóa.

Nội soi tiêu hóa thấy khối u sùi loét ở đại tràng. Nguồn ảnh: sciencephoto.comNội soi tiêu hóa thấy khối u sùi loét ở đại tràng. Nguồn ảnh: sciencephoto.com

Điều trị

Tùy thuộc vào nguyên nhân, các bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị với từng bệnh nhân cụ thể. 

Các bệnh cấp tính cần phẫu thuật cấp cứu như chửa ngoài tử cung, u nang buồng trứng xoắn…

Một số bệnh có thể cần làm phẫu thuật hoặc thủ thuật nhưng không cần mổ cấp cứu như cắt u xơ tử cung, tán sỏi niệu quản….

Các bệnh viêm nhiễm như viêm phần phụ nữ, viêm bàng quang có thể dùng thuốc: kháng sinh, giảm đau, giảm viêm…. 

Ngoài ra, người bệnh cũng cần chú ý tới chế độ ăn uống sinh hoạt:

  • Không sử dụng rượu, bia, chất kích thích, nước uống có ga, đồ cay nóng, dầu mỡ.
  • Bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất… có nhiều trong rau xanh, các loại hoa quả tươi.
  • Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, hạn chế đồ ăn nhanh, đồ ăn tái, sống, chưa chế biến kỹ.
  • Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ cơ quan sinh dục hàng ngày để tránh viêm nhiễm.

Chú ý

Khi có biểu hiện đau ở vùng hố chậu cần hết sức cảnh giác với một số bệnh cấp tính, nguy hiểm, không nên tự ý sử dụng thuốc giảm đau. Các loại thuốc giảm đau sẽ làm mất hoặc giảm các triệu chứng, vì vậy dễ gây chẩn đoán nhầm, nhất là u nang buồng trứng xoắn, thai ngoài tử cung. Hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời.

Xem Thêm:

Elite author
We always feel that we can do better and that our best piece is yet to be written.
Tất cả bài viết
BÀI VIẾT MỚI NHẤT